Việc tạo và phát triển một kênh Podcast dễ dàng hơn bạn nghĩ. Cho dù bạn là một người chơi hệ Y Dược và không hiểu rõ về marketing đi chăng nữa, bạn hoàn toàn có thể tạo một kênh cho riêng mình và chia sẻ kiến thức chuyên môn cho hàng trăm, hàng ngàn người. Hãy cùng marketingyduoc tìm hiểu cách để xây dựng một kênh Podcast chuẩn không cần chỉnh nhé!
Tạo chủ đề đồng nhất trong Podcast của bạn.
Ngành Y Dược với kiến thức chuyên ngành vô cùng rộng lớn, ắt hẳn cho dù bạn có là một bác sĩ hay dược sĩ đa khoa cũng không thể bao quát hết những kiến thức đó được. Vì vậy hãy lựa chọn 1 hoặc vài chủ đề mà bạn hiểu rõ nhất về nó.
Lưu ý quan trọng khi chọn chủ đề là bạn phải biết được mình có thể phát triển chủ đề đó được nhiều hay không. Vì như mọi kênh marketing khác, Podcast luôn tuân theo quy luật ĐỒNG NHẤT trong nội dung. Vì vậy hãy luôn xem xét Topic bạn định hướng tới, tốt nhất hãy trả lời được những câu hỏi sau:
- Topic này có những nội dung nào để triển khai?
- Topic có rộng không?
- Bạn có thể xuất bản bao nhiêu tập Podcast cho nó?
- Bạn có thể mời được những chuyên gia nào?
- Bạn sẽ đảm bảo mình không cạn ý tưởng để sản xuất những tập Podcast mới chứ?
Sau khi đã trả lời được những câu hỏi trên và khá chắc chắn rằng bạn sẽ không cạn ý tưởng, bạn có thể chuyển qua bước tiếp theo.
Xác định ai sẽ là người nghe Podcast của bạn.
Đây là một mục tiêu quan trọng trong marketing và nó luôn cần thiết dù bạn muốn triển khai bất kỳ kênh nào, kể cả Podcast. Việc xác định ai sẽ nghe những tập Podcast của bạn là vô cùng quan trọng. Vì những người nghe mới là những người quyết định kênh của bạn có trở nên nổi tiếng và hữu ích đối với họ hay không.
Hãy thử tưởng tượng bạn muốn làm một kênh Podcast về bệnh xương khớp cho người cao tuổi tầm 65 tuổi trở lên. Nhưng nhóm người này rất ít khi nghe Podcast vì họ thích nghe radio hơn. Vậy thì chắc chắn rằng kênh Podcast của bạn sẽ không được hưởng ứng.
Thay vì vậy, bạn có thể thiết lập những nội dung được đa số người dùng Podcast hưởng ứng, như:
- Bí quyết chăm con khỏe mạnh (hướng đến đối tượng những mẹ bỉm sữa).
- Tâm lý giới trẻ (hướng đến những bạn trẻ, sinh viên).
- Mẹo hay đời sống (hướng đến đa số mọi người với những mẹo hay chữa bệnh thông thường).
- Tâm sự nghề bác sĩ (kết nối với nhiều đồng nghiệp).
- Hướng nghiệp Y Dược (hướng đến những bạn học sinh, sinh viên đang muốn vào ngành Y Tế).
Đặt tên cho Podcast dễ được tìm thấy.
Những cái tên hấp dẫn và “chuẩn SEO” sẽ là điểm nhấn cho Podcast của bạn. Để có thể làm được điều này, bạn nên nghiên cứu Topic mà bạn đang xây dựng cho kênh Podcast của mình thường được tìm kiếm bởi những từ khóa nào.
Ví dụ bạn là một chuyên viên dinh dưỡng và muốn lập một kênh Podcast dành cho phụ nữ sau sinh, bạn sẽ thấy nhiều người quan tâm đến vóc dáng sau khi mang thai. Bạn có thể đặt tên Podcast liên quan đến chủ đề này để thu hút nhiều người quan tâm đến cách lấy lại vóc dáng đẹp mà không ảnh hưởng đến trẻ chẳng hạn.
Hãy đặt một cái tên có thể dễ nhớ nhất để nhiều người nhớ đến bạn. Hoặc thêm vài từ khóa như “bác sĩ”, “dược sĩ”, “chuyên viên”,… để tăng độ uy tín của Podcast nhé!
Chọn nền tảng quản lý Podcast
Cần có một nền tảng uy tín để quản lý Podcast của bạn. Bởi vì bạn cần lưu trữ Podcast của mình cũng như cung cấp tài nguyên, nên có một nền tảng để phân phối và tổ chức Podcast của bạn là một việc cần thiết.
Hiện tại có rất nhiều nền tảng quản lý, hoặc miễn phí hoặc mất phí. PharmarZ xin liệt kê cho bạn vài nền tảng phổ biến hiện nay như:
- Anchor
- Buzzsprout
- Podcastics
- PodBean
- Podomatic
- Blubrry
- SoundCloud
- Spreaker
Và nhiều nền tảng khác.
Đăng kí với các nền tảng lớn.
Sau khi đã chọn nền tảng quản lý cho Podcast, bạn sẽ phải đăng kí Podcast của bạn để có thể xuất bản trên các nền tảng lớn đó. Những nền tảng bạn có thể đăng kí gồm: Apple, Google Play, Spotify, Stitcher và Tuneln. Việc xuất bản Podcast của bạn trên các nền tảng này sẽ tiếp cận được tối đa số lượng người nghe có thể.
Hãy đầu tư một chiếc micro xịn để bắt đầu!
Podcast là mạng xã hội âm thanh, nên âm thanh của bạn là điều quan trọng nhất trong hành trình xuất bản một tập Podcast.
Chất lượng của âm thanh sẽ quyết định kênh Podcast của bạn có chất lượng hay không. Nếu âm thanh của bạn lúc nào cũng rè, lẫn tạp âm và ồn ào không nghe rõ, liệu có ai sẽ nghe bạn nói, đúng không? Vì vậy hãy đầu tư một micro rời có chất lượng thay vì dùng micro có sẵn trong điện thoại hay máy tính của bạn. Những chiếc micro được tích hợp trong điện thoại hay máy tính hoàn toàn không thích hợp để thu âm một tập Podcast chất lượng.
Ngoài ra, bạn cần sử dụng phần mềm chỉnh sửa và cắt ghép âm thanh khi cần nữa đấy!
Kết luận.
Sau khi đã hoàn thiện những chuẩn bị như trên, bạn đã có thể ghi âm và hoàn thành một Podcast cho riêng mình về các chủ đề chuyên môn Y Dược rồi đó! Hãy đưa địa chỉ Podcast lên trang cá nhân, trang web phòng khám của bạn hoặc fanpage nhà thuốc để nhiều người tiếp cận hơn nhé! Chúc bạn thành công.
Có thể bạn quan tâm đến bài viết Chiến lược Marketing 4P của Johnson&Johnson