Biti’s Hunter chắc chắn là một thương hiệu nổi tiếng mà người Việt nào cũng biết. Và mới đây, bộ sưu tập mới và cách xử lý khủng hoảng thương hiệu của Biti’s lại làm xôn xao mạng xã hội. Hãy cùng xem hãng giày này đã gặp và giải quyết vấn đề như thế nào nhé!
Dự án mới bị phản đối
Ngày 10.10.2021 Biti’s ra mắt dự án ‘’Biti’s Hunter Street Blooming’’ hay được gọi là ‘’Cảm hứng tự hào miền Trung – Hoa trong đá’’. Mang thông điệp tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt, cụ thể là nét đẹp miền Trung.
Sau khi công bố bộ sưu tập này, người dùng nhận định Biti’s đã phạm phải lỗi ‘’to đùng’’ trong thiết kế là ‘’đánh cắp văn hóa’’. Bởi các họa tiết trên gấm như mây, sóng nước và cách phối màu được cho là của các trang phục lịch sử Trung Quốc. Hơn nữa, đây là một chiến dịch tuyên truyền văn hóa, nên hành động của Biti’s Hunter gây phẫn nộ không chỉ với khách hàng của Bitis và đối với tất cả người dân Việt Nam.
Ngoài ra, dòng giày này còn sử dụng loại vải thổ cẩm có hoa văn chân chó của dân tộc Chăm. Sẽ không có gì đáng nói nếu như Biti’s không giới thiệu đây là sản phẩm thổ cẩm của Tây Nguyên.
Thông tin này trong một khoảng thời gian rất ngắn đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng và những người tiêu dùng của hãng.
Ngày 12.10.2021, Phó tổng giám đốc phụ trách marketing của Biti’s đã lên tiếng xin lỗi khách hàng và thừa nhận lỗi sai trong việc sử dụng vải Trung Quốc để quảng bá văn hóa Việt.
Cách xử lý khủng hoảng truyền thông của Biti’s
Biti’s Hunter giải thích rằng bản thân nhãn hàng cũng bất ngờ khi biết họa tiết hoa văn chân chó trong Thổ cẩm của người Chăm, chứ không phải của Thổ cẩm Tây Nguyên như đã nói. Hãng khẳng định sẽ ghi nhận, chỉnh sửa và xin lỗi về sự thiếu sót này.
Một vấn đề nữa là chất liệu vải sử dụng trong dự án gần đây, Biti’s thừa nhận sự thiếu trách nhiệm trong khâu lựa chọn chất liệu. Theo doanh nghiệp, do chưa tìm được nhà cung cấp vải phù hợp trong nước, nên hãng đã lựa chọn vải gấm của Trung quốc để thể hiện ý tưởng mới.
Bên cạnh lời xin lỗi, Biti’s cũng đưa ra hướng khắc phục, cụ thể:
Biti’s sẽ sử dụng vải gấm lấy cảm hứng từ văn hóa nghệ thuật Huế, thay cho loại gấm đã sử dụng trước đó. Để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng Việt và đúng với thông điệp văn hóa muốn truyền tải.
Biti’s cũng sẽ hiệu chỉnh lại hình ảnh & truyền thông sản phẩm trong vòng 24 giờ tới, kể từ khi gửi đến khách hàng lời xin lỗi này.
Loại gấm được thay thế sẽ là phiên bản có chất liệu và họa tiết mới nhất.
Nhãn hàng sẽ hỗ trợ khách hàng đã đặt hàng sản phẩm này, nhưng muốn hoàn trả vì thiết kế mới khiến khách hàng cảm thấy không còn phù hợp.
Biti’s cũng cam kết tiếp tục duy trì ý định ban đầu, trích 100.000 VNĐ từ doanh thu mỗi sản phẩm đã bán của bộ sưu tập này, đóng góp cho quỹ phát triển tài năng của miền Trung, đặc biệt là dân tộc Chăm, nâng niu con người và tiếp sức cho những ý chí người Miền Trung.
Sau lời xin lỗi và đưa ra biện pháp khắc phục nhanh chóng. Biti’s Hunter nhận được sự đồng tình và cảm thông khá lớn từ cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều tỏ ra hài lòng với cách xử lý khủng hoảng truyền thông lần này của Biti’s và bày tỏ sẽ tiếp tục ủng hộ nhãn hàng.
Học được gì từ lời xin lỗi của Biti’s Hunter?
Biti’s đã rất chuyên nghiệp trong cách xử lý khủng hoảng ngày 12/10. Đây có thể được lấy làm ví dụ tiêu biểu cho các doanh nghiệp về bảo vệ thương hiệu.
Đối với những người tiếp thị thương hiệu, bất cứ sai sót dù lớn hay nhỏ, thì những điều tồi tệ cũng sẽ xảy ra, thậm chí không thể cứu vãn được. Cách giải quyết của Biti’s tuy không phải là giải pháp xuất sắc nhất, nhưng nó phù hợp nhất.
Xử lý khủng hoảng cần nhạy bén, trung thực, chẳng hạn như Biti’s: thay vì im lặng hoặc phản bác hay đưa ra những lời giải thích vòng vo, họ chọn đối diện và nhận lỗi. Kết quả là vấn đề được giải quyết, khách hàng hài lòng và thương hiệu vẫn được ủng hộ.
Xây dựng một thương hiệu là cả một quá trình phức tạp, đòi hỏi những phát ngôn và hành động đúng đắn. Mỗi sản phẩm, thông điệp đều hướng đến khách hàng, nhưng đừng quên lắng nghe xem họ có thực sự tiếp nhận thông điệp, sản phẩm của mình không. Bởi vì, làm thương hiệu, mục đích cuối cùng vẫn là hướng tới khách hàng.
——–
Có thể bạn quan tâm MARKETER HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ HOT PHIM “SQUID GAME-TRÒ CHƠI CON MỰC”.
Theo dõi fanpage và tham gia group của chúng tôi để cùng học hỏi và chia sẻ kiến thức marketing nhé!