Follow us:

Marketing Dược: Phỏng vấn nên làm gì?

Phỏng vấn nên làm gì
Phỏng vấn nên làm gì

Tóm tắt

Mình vừa có cơ may trở thành một HR “nghiệp dư” khi phỏng vấn các bạn sinh viên tham gia chương trình tuyển Thực tập sinh marketing Dược. Sau các buổi phỏng vấn, mình rút ra được vài tip dành cho những bạn sinh viên đi phỏng vấn dưới góc nhìn của một HR dưới đây.

Đây là đánh giá chủ quan sau lần phỏng vấn này. Không phải là chuẩn mực, xin lưu ý.

1. Giới thiệu bản thân

Đa số các bạn sinh viên sẽ mất điểm ngay tại câu hỏi này, chắc chắn!

Khi được HR yêu cầu “Bạn hãy giới thiệu bản thân mình đi”, nó có ý nghĩa nhiều hơn là bạn chỉ cần cung cấp tên, tuổi, trường, lớp. Có nhiều bạn chỉ nói mỗi tên, không hề nêu rõ họ và tên. Nhiều bạn chỉ nói sơ qua như sợ HR biết profile của mình. Cuối cùng, sau câu hỏi HR chẳng thu hoạch gì từ bạn hết.

Làm sao cho đúng?

Theo mình, câu nói “giới thiệu về bản thân” bao gồm những ý bao quát để HR có thể hiểu bạn là người như thế nào, cũng như có gì để phù hợp với công việc. Vậy nên, khi được hỏi câu hỏi này, bạn có thể trả lời theo outline sau:

  • Giới thiệu họ tên đầy đủ.
  • Giới thiệu trường, lớp, hoặc đơn vị công tác.
  • Nói về lý do biết đến tin tuyển dụng. Lý do thích marketing Dược.
  • Giới thiệu sơ qua về kinh nghiệm bản thân phù hợp với tiêu chí tuyển dụng. Phần này có thể nêu điểm mạnh bản thân và tự đánh giá bản thân phù hợp với tiêu chí tuyển dụng.
  • Nói thêm vài ý thể hiện rất mong đợi buổi phỏng vấn để được tham gia vào tổ chức/công ty.

Đây là câu hỏi đầu tiên, nên sự thể hiện của bạn đa số được đánh giá ngay từ lúc này. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Nếu bạn thể hiện sự chỉnh chu, chuyên nghiệp và đầy quyết tâm khi phỏng vấn, điểm cộng của bạn sẽ rất nhiều đó!

2. Đừng chờ HR hỏi, hãy nói!

Có một vấn đề mà đa số sinh viên luôn mắc phải, đó là xem những buổi phỏng vấn như ngày thi vấn đáp với các thầy cô vậy! Điều này tạo sự căng thẳng không đáng có, cũng như sẽ đưa đến tình trạng HR hỏi, bạn đáp vô cùng nhàm chán.

Hãy biến buổi phỏng vấn thành một cuộc trao đổi ngang hàng! Bạn và nơi tuyển dụng là hai người hợp tác với nhau. Và luôn hãy biến các cuộc hợp tác đó thành win-win.

Bạn hãy chuẩn bị, luyện tập và nói thật nhiều. Không ai có thể hiểu bạn bằng chính bản thân bạn hết! Bạn hãy nói hết những gì bạn phù hợp với công việc và chủ động dẫn dắt người phỏng vấn bạn hỏi những vấn đề mà bạn đang thể hiện. Sự dẫn dắt chủ động này khiến bạn có thể lường được hầu hết các câu hỏi mà HR có thể đưa ra, và thể hiện sự tự tin vốn có cũng như kỹ năng giao tiếp của bạn.

Khá nhiều bạn ứng tuyển vào khóa học marketing Dược đều theo kiểu HR hỏi, bạn trả lời, giống như tình trạng trong các lớp học thầy cô hỏi bạn trả lời vậy. Không khí nhàm chán đó sẽ là điểm trừ cực lớn cho bạn. Vì thế, hãy nắm vai trò dẫn dắt phần nào cuộc phỏng vấn với sự thoải mái. Bạn sẽ nhận ra phỏng vấn không đáng sợ như bạn tưởng.

3. Thái độ hơn trình độ

thái độ hơn trình độ
Trong một cuộc phỏng vấn, điều bạn cần thể hiện hơn cả trình độ chuyên môn đó là thái độ của bạn đối với công việc. Nhất là đối với những ngành đặc biệt như marketing Dược.

Điều quan trọng nhất trong những điều cần lưu ý khi phỏng vấn chính là thái độ!

Thái độ cầu tiến của bạn sẽ là chìa khóa giúp bạn ghi dấu ấn trong các cuộc phỏng vấn dù kinh nghiệm bạn có ít hay nhiều. Thái độ này diễn ra xuyên suốt từ lúc trước phỏng vấn, trong phỏng vấn và sau phỏng vấn.

Trước khi phỏng vấn, bạn cần tìm hiểu kỹ về công ty/đơn vị tuyển dụng để hiểu về văn hóa của họ cũng như những đặc điểm về công việc bạn phải làm. Bạn có thể tìm những người đang làm việc tại đó hoặc những người từng phỏng vấn để có thêm kinh nghiệm. Có sự chuẩn bị chu đáo, bạn mới không bị “hớ” khi phỏng vấn và thể hiện sự quan tâm đến công việc này một cách đầy chủ động.

Khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, hãy luôn thể hiện sự vui vẻ, thoải mái và tự tin. Cách xưng hô cũng như nói chuyện cũng phải lịch sự và đúng mực. Đừng nói năng cụt lủn, hay nói chuyện với HR dù thoải mái đến đâu. Điều này chỉ khiến HR cảm thấy khó chịu về bạn thôi.

Dù phỏng vấn trực tiếp hay online, thì bạn phải luôn chỉnh chu trang phục, đầu tóc và góc máy quay (nếu phỏng vấn online). Hãy đến phỏng vấn đúng giờ, hoặc vào phòng phỏng vấn online đúng giờ hẹn. Chuẩn bị sẵn sàng trước khi phỏng vấn chứ không phải đến giờ là cầm máy đi lòng vòng tìm chỗ ngồi. Một điểm trừ cực lớn luôn đó!

Lúc phỏng vấn, bạn hãy luôn nhìn thẳng vào HR và trả lời. Đừng nhìn đông nhìn tây, và nhoài người lấy cái này cái kia khi đang trong cuộc phỏng vấn. Dù bạn có đang phỏng vấn hay không, những hành động đó vô cùng bất lịch sự. Chẳng ai có thiện cảm tốt với những người đang bất lịch sự với mình cả.

Cuối cùng, khi kết thúc cuộc phỏng vấn, luôn hãy dành lời cảm ơn đến người đã dành thời gian cho mình và khẳng định lại mong muốn được tham gia tổ chức/công ty. Dù nhận được kết quả như thế nào, hãy luôn gửi tin nhắn/mail cảm ơn để lưu lại ấn tượng tốt nhé!

4. Kết luận

Trên đây là những điều mình nhận ra sẽ trở thành điểm mạnh/điểm yếu của ứng viên dưới góc nhìn của một người phỏng vấn về marketing Dược. Bạn còn tips phỏng vấn nào không? Hãy chia sẻ dưới commemt nhé!

Có lẽ bạn quan tâm đến bài viết Nhà thuốc Online trên Amazon

Hữu ích? Hãy chia sẻ nhé

Các bài viết khác

Cần Tăng trưởng doanh thu bền vững?

Nhận giải pháp riêng biệt tốt nhất cho doanh nghiệp Y Dược với mọi mức ngân sách!