Nếu bạn là một marketer thì chắc chắn bạn đã biết đến tất cả những thuật ngữ này. Tuy nhiên, đối với những người mới tìm hiểu về marketing, hay thậm chí những người làm marketing một thời gian, cũng đang hoang mang giữa các khái niệm này. Vậy thì hãy cùng marketingyduoc.com giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Digital marketing/ Online marketing
Digital marketing: là việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số, để thực hiện các hoạt động marketing. Digital marketing bao gồm thiết bị và nền tảng, kể cả nền tảng online và offline. Mục đích để xây dựng hoặc quảng bá, hay truyền tải thông điệp đến người dùng thông qua các kênh. Nhiều người nghĩ digital marketing là thực hiện trên internet, nhưng không phải, ví dụ dưới đây sẽ làm rõ ý này.
Một ví dụ thực tế mà chắc chắn bạn đã gặp, SMS marketing – tin nhắn tiếp thị trên điện thoại di động. Bạn đã từng nhận các tin nhắn tự động về khuyến mại, giảm giá,…hay thậm chí là những tin nhắn chúc mừng sinh nhật của các nhãn hàng chưa? Hay bạn nghe radio, TV,…Tất cả những cách thức này đều không cần kết nối internet, nhưng nó thuộc digital marketing.
Tóm lại, bất kỳ những gì liên quan đến marketing, được hoạt động dưới nền tảng kỹ thuật số đều được gọi là digital marketing.
Online marketing: Là thực hiện tiếp thị trên internet, nó là một phần của digital marketing. Trong khi digital marketing có thể thực hiện trên internet hoặc không, thì online marketing chỉ hoạt động khi có kết nối internet.
2. Content writer/ Copywriter
Đây là hai khái niệm được cho là nhầm lẫn nhiều nhất trong marketing.
Content writer: Là những người viết, sáng tạo nội dung cho website, mạng xã hội, blog,…Các dạng bài thường là bài long-form cho website, bài đăng facebook, kịch bản video, bài pr,…
Những nội dung mà content writer phụ trách thường là cung cấp thông tin, mô tả các sự vật, hiện tượng theo đúng bản chất vốn có của nó. Mục đích để giáo dục, giữ chân khách hàng, tạo thiện cảm tốt cho thương hiệu.
Copywriter: Hay còn gọi là người viết quảng cáo, bao gồm những mục ngắn như thông điệp, tagline, kịch bản TVC, banner,…Copywriter nhằm tạo ra cảm xúc, thuyết phục độc giả tạo ra hành động nào đó (có thể là mua hàng, chia sẻ bài viết,…).
3. Customer/ Consumer/ Shopper
Customer (Khách hàng): Là một cá nhân hoặc nhiều người hoặc một tổ chức mua sản phẩm, dịch vụ của cá nhân, cửa hàng hay doanh nghiệp nào đó. Khách hàng có thể không phải người sử dụng sản phẩm, nhưng là mục tiêu chính mà các marketer nhắm tới.
Consumer (Người tiêu dùng): Là những người sử dụng, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Người tiêu dùng có thể không phải là người mua sản phẩm, dịch vụ đó.
Lưu ý: Trong hầu hết các trường hợp, consumer là customer. Tuy nhiên, không ít những trường hợp tách biệt hoàn toàn. Ví dụ những sản phẩm dành cho trẻ em: customer (bố mẹ), consumer (con).
Shopper (Người mua hàng): Shopper thường đưa ra quyết định mua hàng tại điểm bán. Có thể không phải là người tiêu dùng, không phải là khách hàng của sản phẩm, shopper có thể là người được nhờ mua giúp cho người khác.
4. Social Media Manager/ Community Manager
Social Media Manager (Người quản lý truyền thông xã hội): Nhắc đến truyền thông xã hội, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc tiếp thị ở các trang web như facebook, instagram, zalo,…Cụ thể, SMM là những người xây dựng nội dung, lên kế hoạch tiếp thị cho từng nền tảng mạng xã hội. Vừa để thúc đẩy sự tương tác với khách hàng, vừa để quảng bá sản phẩm, công ty.
Community Manager (Người quản lý cộng đồng): CM là đại sứ thương hiệu, có nhiệm vụ kết nối thương hiệu với cộng đồng của thương hiệu. Tức là xây dựng mối quan hệ với khách hàng: tìm kiếm khách hàng mới, lắng nghe khách hàng hiện tại, sử dụng các công cụ social listening để theo dõi sự tương tác và phản hồi của họ.
5. PR/ Advertising
Hai công việc này đều đi đến mục tiêu chung là truyền đạt thông điệp hay thông tin nào đó đến khách hàng mục tiêu.
PR (Public Relations): Hay còn gọi là quan hệ công chúng. Như cái tên của nó, PR có nhiệm vụ truyền thông, gửi thông điệp tích cực đến khách hàng và công chúng. Nhưng với một cách thức thể hiện tinh tế, khéo léo, cho khách hàng biết đến giá trị của công ty một cách tích cực và tin cậy.
Ví dụ: Cách các nhãn hàng book người nổi tiếng để nói về sản phẩm của họ, ở góc nhìn của người PR. Để từ đó khách hàng được nhìn, được nghe cảm nhận khách quan từ người thứ 3, dễ tạo sự tin cậy.
Advertising: Là quảng cáo, khác một chút so với PR, đó là quảng cáo tập trung trực tiếp tới khách hàng tiềm năng. Nhấn mạnh, ngắn gọn về đặc tính nổi bật, sự khác biệt của sản phẩm, dịch vụ.
Ví dụ: Các TVC bạn thường gặp khi xem TV.
6. Needs/ Wants/ Demands
Bộ 3 khái niệm liên quan mật thiết đến nhau, đặc biệt quan trọng trong phân tích hàng vi khách hàng.
Nhu cầu (Needs): Nhu cầu sẵn có của con người là thức ăn, quần áo, nơi ở, sự an toàn,…để có thể tồn tại. Khi con người cảm thấy thiếu thốn, thì những nhu cầu này phát sinh, chứ không phải do người làm tiếp thị tạo ra.
Những sản phẩm, dịch vụ thuộc nhu cầu tự nhiên, không vì do nhu cầu sẵn có mà người ta không quảng cáo. Ở thời đại quá nhiều đối thủ cạnh tranh như hiện nay, việc quảng bá cho những nhu cầu này cũng dần trở nên khó khăn hơn trước.
Wants (Mong muốn): Khác hẳn so với Needs, mong muốn phát sinh thường do tác động của con người, địa lý, thời gian, hoàn cảnh xã hội,…Hiểu đơn giản là những lựa chọn để chúng ta đáp ứng được các nhu cầu của bản thân.
Ví dụ: Khi bạn khát nước, bạn phát sinh nhu cầu được giải khát (needs). Tuy nhiên, bạn lại muốn uống coca chứ không phải nước lọc (wants).
Yêu cầu (Demands): Yêu cầu hay còn gọi là nhu cầu có khả năng chi trả.
Ví dụ: Bạn có 2 lựa chọn, giữa một chiếc điện thoại Samsung giá $200 và một chiếc điện thoại Iphone $800.
Bạn cần và muốn mua Iphone (Needs/Wants), nhưng bạn không thể chi trả cho chiếc điện thoại đó. Tuy nhiên, nếu bạn đủ khả năng mua được chiếc Iphone thì đây là Demands. Còn nếu bạn mua chiếc Samsung vì không đủ $800, thì đó không phải Demands.
Suy ra, một người có nhu cầu và mong muốn mua một sản phẩm và họ đủ khả năng chi trả, thì đó sẽ là nhu cầu có khả năng chi trả.
7. Brand/ Trademark
Brand (Thương hiệu): Thương hiệu là cảm nhận của khách hàng về những thứ hữu hình và vô hình mà doanh nghiệp xây dựng nên. Nó bao gồm cả nhãn hiệu, logo, lời hứa thương hiệu, sản phẩm, thái độ nhân viên,…
Trademark (Nhãn hiệu): Nhãn – để biểu thị những thứ có khả năng nhìn thấy được, là một phần của thương hiệu. Nhãn hiệu có thể nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy giống như logo, hình ảnh, slogan,…
8. Viral content/ TVC quảng cáo
Cả 2 loại video này đều nhằm mục đích truyền bá sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu. Dù là viral content hay TVC đều phải gắn liền với màu sắc, logo, slogan,…của thương hiệu.
Viral video: Thường gián tiếp quảng cáo, hoặc không quảng cáo mà chỉ gắn hình ảnh thương hiệu. Nội dung thường là những câu chuyện truyền tải thông điệp ý nghĩa, truyền cảm hứng. Thường xuất hiện trên Youtube, mạng xã hội, diễn đàn,…Thời gian cho 1 viral video có thể linh động.
TVC quảng cáo: thường gặp trên TV, LED quảng cáo, báo đài,… Tập trung vào giới thiệu, làm nổi bật sản phẩm, dịch vụ một cách ngắn gọn. Với TVC video, chỉ được phép kéo dài từ 10s đến 60s.
Kết luận
Hy vọng bài viết trên đã phần nào giúp các bạn hiểu rõ hơn về các khái niệm dễ bị nhầm lẫn này. Nếu bạn muốn bổ sung bất kỳ điều gì, hãy để lại bình luận ở dưới bài viết này nhé!
Có thể bạn quan tâm 8 Ứng Dụng Thiết Kế Đồ Họa Và Video Cho Marketers
Theo dõi fanpage và group của chúng mình, để cùng học hỏi và trau dồi kiến thức marketing bạn nha!